Giá Bitcoin liên tục biến động mạnh trong tháng 3

Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá Bitcoin bắt đầu tăng mạnh và liên tục duy trì ngưỡng cao vào giai đoạn cuối tháng 3. Cách đây hai hôm, giá đồng tiền số có thời điểm vượt mốc 48.086 USD, mức cao nhất kể từ khi bước sang năm 2022.

Đáng chú ý, cũng trong tháng này, giá trị của đồng tiền mã hóa số một thế giới từng bốc hơi hơn 10.000 USD, tương đương 21%, và rớt xuống gần 37.000 USD. Biên độ dao động của vốn hóa thị trường ước tính khoảng 200 tỷ USD.

Trong 7 ngày qua, giá Bitcoin đã tăng trưởng hơn 10%. Hiện Bitcoin đang được giao dịch trên 47.000 USD. Dù giảm nhẹ, đây vẫn là ngưỡng giá trị cao nhất trong tháng 3.

Tuy vậy, so với mức đỉnh 69.000 USD lập vào tháng 11/2021, giá Bitcoin còn cách xa 31,7%.

Giá Bitcoin liên tục biến động mạnh trong tháng 3
Diễn biến của Bitcoin trong tháng 3/2022. Ảnh: CoinMarketCap.

TRỒI SỤT LIÊN TỤC

Hành động giá của Bitcoin trong tháng 3 có thể xem như một chuyến tàu lượn. Tổng cộng, Bitcoin có 5 lần vượt ngưỡng 40.000 USD và 7 lần giảm xuống 38.500 USD.

Trước khi bứt phá và xuyên thủng lần lượt các kháng cự, phạm vi 38.500-40.000 USD là vùng giá Bitcoin giằng co dữ dội nhất. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện nhiều tin tức quan trọng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiền mã hóa.

Theo dữ liệu của Coinglass, Bitcoin có 17 ngày tăng trưởng dương, 14 ngày tăng trưởng âm. Dù áp đảo không đáng kể, hiệu suất cả tháng của đồng tiền mã hóa vẫn giữ được sắc xanh, tăng 8,6%.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị Bitcoin đã thiệt hại hơn 20%. Hiệu suất trong tháng 3/2021 cũng nổi trội hơn với mức tăng 29,84%.

Tuy nhiên, việc Bitcoin giữ đà tăng trưởng dương tháng này được xem như tín hiệu tích cực cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn vĩ mô.

Cuối năm 2020, đầu năm 2021 là giai đoạn lĩnh vực tài sản kỹ thuật số, đặc biệt là Bitcoin, bùng nổ mạnh mẽ nhất. Không chỉ tăng gấp 3 lần mức đỉnh ghi nhận vào cuối năm 2017, giá Bitcoin còn thiết lập nhiều kỷ lục mới như vốn hóa hay khối lượng giao dịch.

Giá Bitcoin liên tục biến động mạnh trong tháng 3
Đây là tháng thứ hai liên tiếp Bitcoin tăng trưởng dương trong năm 2022. Ảnh: Coinglass.

Nhằm đáp ứng xu hướng, bản thân thị trường tiền mã hóa cũng sản sinh ra nhiều phong trào đầu tư khác nhau như Memecoin, GameFi, Defi, đồng thời xuất hiện sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư nổi tiếng.

Về tổng quan, đồng tiền số hàng đầu thế giới sở hữu chuỗi 7 tháng tăng trưởng trước khi kết thúc vào tháng 5/2021.

Nhưng, nhìn về thời điểm hiện tại, sau khi đạt đỉnh vào tháng 11, giá Bitcoin liên tục lao dốc vào hai tháng cuối năm với mức giảm lần lượt 7,11% và 18,9%. Sang năm 2022, hiệu suất của Bitcoin vẫn giảm 16,68% trong tháng 1 và chạm đáy 35.030 USD, mức thấp nhất kể từ cuối tháng năm ngoái.

Đà sụt giảm nặng nề khiến giới chuyên gia từ ngân hàng Thụy Sĩ UBS dự đoán thị trường chuẩn bị bước vào giai đoạn ảm đạm nhất – “mùa đông tiền mã hóa”.

Do vậy, việc Bitcoin có tháng thứ hai tăng trưởng dương phần nào giải tỏa sự bức bối của nhà đầu tư sau nhiều tháng sống trong sợ hãi.

Theo chỉ số đo lường Fear and Greek, tâm lý của giới đầu tư hiện đạt 56 điểm, phản ánh xu hướng tham lam. Đây đồng thời là mức tâm lý tốt nhất của nhà đầu tư trong vòng 4 tháng qua.

TƯƠNG QUAN VỚI TÀI SẢN RỦI RO TRUYỀN THỐNG

Trước khi bước sang tháng 3, Bitcoin từng rơi tự do xuống gần 35.000 USD kể từ thời điểm Nga bắt đầu tiến hành các chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Đáng nói, trái với vàng, vốn tăng mạnh trong những sự kiện bất ổn địa chính trị do sở hữu tính bảo lưu giá trị, hành động giá của Bitcoin ngày càng giống các tài sản rủi ro truyền thống, ví dụ như chứng khoán.

Yuya Hasegawa, nhà phân tích tại sàn giao dịch Nhật Bản Bitbank cho biết:

Câu chuyện Bitcoin là nơi trú ẩn an toàn gần như hoàn toàn tan vỡ khi khả năng xung đột quân sự ngày càng tăng và mối quan hệ Mỹ – Nga dần xấu đi.

“Câu chuyện Bitcoin là nơi trú ẩn an toàn gần như hoàn toàn tan vỡ khi khả năng xung đột quân sự ngày càng tăng và mối quan hệ Mỹ – Nga dần xấu đi. Thị trường tài chính hiện chuyển sang chế độ lo ngại rủi ro”, Yuya Hasegawa, nhà phân tích tại sàn giao dịch Nhật Bản Bitbank, cho biết.

Suốt nhiều năm qua, những người ủng hộ Bitcoin luôn coi đồng tiền này là vàng kỹ thuật số. Song, mối tương quan giữa Bitcoin và chứng khoán giữa bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine để lại nhiều nghi hoặc về quan điểm tài sản trú ẩn.

Trong khi giá vàng thế giới đạt 2.053 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, giá “vàng kỹ thuật” cùng thời gian lại chạm đáy của tháng.

Đà tăng trưởng của thị trường còn bị chặn đứng sau khi chính phủ Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt nhắm vào Nga ở lĩnh vực tiền mã hóa. Động thái này khiến giá Bitcoin sụt giảm mạnh và đi ngang gần 20 ngày.

“Nơi trú ẩn an toàn là nơi tài sản giữ được giá trị trong thời kỳ thị trường biến động. Tiền mã hóa liên tục bị bán tháo kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thông báo đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, cùng thời điểm với làn sóng bán tháo của chứng khoán. Đây không phải là định nghĩa về nơi trú ẩn an toàn”, Lux Thiagarajah, người đứng đầu giao dịch và quản lý tài khoản tại BCB Group, cho biết.

LẤY ĐÀ LEO DỐC

Tuy vậy, cuộc xung đột giữa hai quốc gia vẫn để lại tác động tích cực đến thị trường tiền mã hóa.

Không chỉ đối mặt tình trạng đồng nội tệ mất giá, Nga còn hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt đánh vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và năng lượng. Quốc gia này gần như bị loại bỏ khỏi hệ thống tài chính thế giới, các tỷ phú Nga cũng trở thành mục tiêu trừng phạt của phương Tây.

Viễn cảnh này giúp tiền mã hóa phát huy vai trò trú ẩn nhờ đặc điểm nằm ngoài sự kiểm soát của các định chế tài chính. Nhiều chuyên gia cho rằng Nga có thể tận dụng lợi thế của tiền mã hóa để né tránh các lệnh trừng phạt.

Theo công ty dữ liệu tiền mã hóa Kaiko, ngày 1/3, khối lượng giao dịch Bitcoin bằng RUB đã đạt 1,5 tỷ RUB (gần 18 triệu USD), mức cao nhất kể từ tháng 5/2021. CoinShares đồng thời cho biết khối lượng giao dịch cặp RUB/USD trên các sàn tiền mã hóa tăng 121% so với tuần trước đó.

Giá Bitcoin liên tục biến động mạnh trong tháng 3
Khối lượng giao dịch của cặp BTC/RUB tăng mạnh. Ảnh: Kaiko.

Hoạt động của dòng tiền cũng trở nên sôi nổi hơn sau khi Ukraine kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ bằng tiền mã hóa. Tính đến ngày 10/3, chính phủ nước này nhận được gần 100 triệu USD dưới dạng Bitcoin, Ethereum, stablecoin USDT, Polkadot…

Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, sự ra tay của đội ngũ phát triển Terra là một trong những nguyên nhân thúc đẩy thị trường tiền số vào cuối tháng 3.

Ngày 22/3, trên dữ liệu on-chain, giới quan sát bất ngờ phát hiện một lệnh mua Bitcoin trị giá 125 triệu USD của Terra, dự án hiện có vốn hóa lớn thứ 9 thế giới. Lệnh mua khổng lồ đã đẩy khối lượng giao dịch của Bitcoin trong vòng 24h lên hơn 35 tỷ USD, tăng 55%.

Tháng 2/2022, Do Kwon – người sáng lập kiêm CEO của Terraform Labs – thông báo thành lập quỹ dự trữ trị giá 1 tỷ USD làm bảo chứng cho stablecoin UST. Tuy nhiên, vị lãnh đạo thể hiện tham vọng bằng cách nâng lượng dự trữ lên 3 tỷ USD và hướng tới mục tiêu dài hạn 10 tỷ USD.

Công bố trên Twitter hôm 27/3, dự án này cho biết quỹ LFG của Terra liên tục mua vào Bitcoin và đang nắm giữ 24.954,96 đơn vị, tương đương 1,109 tỷ USD.

Những yếu tố này giúp chỉ số RSI vượt mốc 70 điểm, đưa Bitcoin vào giai đoạn quá mua về mặt kỹ thuật.

5/5 (1 bình chọn)

Gửi bình luận

Vui lòng nhập bình luận của bạn vào đây !
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài viết mới nhất

Có thể bạn thích

Bài viết liên quan