Thị trường tiền điện tử thách thức sự chịu đựng của nhà đầu tư

Hơn 1.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường tiền số trong thời gian ngắn. Giảm giá là xu hướng chung của các loại tài sản kỹ thuật số. Riêng trong ngày 22/1, Bitcoin đã mất 15% giá trị. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã giảm hơn 50% so với đỉnh hồi tháng 11/2021. Điều đó kéo theo sự mất giá mạnh hơn của hàng loạt altcoin.

Theo các chuyên gia, đây có thể chưa phải đáy cuối cùng của Bitcoin. Đồng thời, nhà đầu tư phải chịu đựng việc sụt giảm trong thời gian dài, cho đến khi thị trường có thể quay đầu.

HÀNG NGHÌN TỶ USD BAY HƠI KHỎI THỊ TRƯỜNG

Thị trường đi xuống cũng là lúc chứng kiến những cuộc “thanh trừng đẫm máu” diễn ra. Cú sập hôm 21/1 đã cuốn bay 1,1 tỷ USD các hợp đồng tương lai tiền số. Bloomberg cho rằng khi kết hợp với hơn 1.000 tỷ USD đã bay hơi, “vết thương của thị trường đang bị sát thêm muối”.

“Thị trường tiền số đang bị thách thức trong tháng này. Chắc chắc là có nhiều nỗi đau ở đó”, Jonathan Padilla, đồng sáng lập của Snickerdoodle Labs, công ty blockchain chuyên về bảo mật cho biết.

Ngay cả những nhà đầu tư dài hạn cũng đang băn khoăn về thời điểm mà cú sập kết thúc. “2022 là năm mà người dùng sẽ nhận ra việc đầu tư tiền số là một công việc khó khăn”, nhà đầu tư Mike Novogratz viết trên Twitter.

Bên cạnh đó, có những người tham gia với nguồn lạc quan vô hạn vào tiền số. Họ tin vào việc Bitcoin từng trải qua 2/3 năm trong màu đỏ, và sắc xanh sẽ sớm trở lại.

“Lúc điều đó (cú sập) xảy ra, các tổ chức sẽ thực sự hoạt động. Một khi loại tài sản này khan hiếm, họ sẽ có nhiều tự tin để quay lại và mua chúng. Họ biết rằng tiền số sẽ không thể biến mất. Do vậy, họ phải quay lại”, Matt Maley, Giám đốc Chiến lược Thị trường của Miller Tabak+ Co. chia sẻ.

Nhưng chu kỳ tin tức xấu vẫn chưa dừng lại. Các cơ quan quản lý từ Nga, Anh, Singapore và Tây Ban Nha đã công bố các biện pháp can thiệp, có thể dẫn đến sự suy yếu của tiền số. Đồng thời, việc thắt chặt chính sách tiền tệ, dự kiến tăng lãi suất của Mỹ cũng là thông tin tiêu cực cho thị trường tiền mã hóa.

Chỉ số Bloomberg Galaxy DeFi của các đồng tiền kỹ thuật số mảng tài chính phi tập trung đã giảm 14% trong tuần qua. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đang chuẩn bị đưa ra một chiến lược ban đầu cho tài sản số. Những điều này đã đè nặng lên Bitcoin, khiến đồng tiền số lớn nhất thế giới rơi về mốc 34.000 USD hôm 22/1.

Theo Bloomberg, cú sập vừa qua lấy đi của Bitcoin khoảng 600 tỷ USD giá trị vốn hóa. Đây là đợt sụt giảm lớn thứ 2 trong lịch sử của đồng tiền số này. Dữ liệu từ Bespoke Investment Group cho thấy cú sập lớn nhất diễn ra vào cuối tháng 7/2021, lấy đi của Bitcoin 646 tỷ USD giá trị thị trường.

Theo Coinglass, khoảng 290.000 nhà giao dịch đã “cháy” hợp đồng tương lai trong vòng 24h ngày thứ 6. Tổng giá trị thanh lý trong hôm 21/1 lên đến 1,1 tỷ USD.

ĐÁY CỦA BITCOIN CÓ THỂ LÀ 30.000 USD, THỊ TRƯỜNG CHƯA THỂ SỚM HỒI PHỤC

Bloomberg cho rằng mốc 40.000 USD của BTC đóng vai trò của điểm uốn. Theo các chuyên gia tiền số, những khoản thanh lý hợp đồng tương lai lớn sẽ tạo ra đáy mới trên thị trường.

“Nhà đầu tư nên cảm thấy lo sợ và bất an. Nếu lượng cổ phiếu bán tháo lớn hơn, hãy mong FED (Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ) can thiệp. Đó là lúc Bitcoin và những loại tiền số khác có cơ hội tăng giá”, Antoni Trenchev, đối tác quản lý tại Nexo cho hay.

Khi tình hình bình ổn, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy nhà đầu tư sắp trở lại với Bitcoin. Cụ sập hôm 21/1 đã đưa giá Bitcoin xuống thấp hơn mọi dự báo. Theo truyền thống, đây là dấu hiệu của việc bán tháo đã đạt cực hạn và biểu đồ có thể đảo ngược. Tuy nhiên, tình hình hôm 22/1 tiếp tục tồi tệ, chứng tỏ phe gấu (thị trường đi xuống) vẫn tiếp tục hoạt động mạnh.

“Hiện tại Bitcoin đã phá vỡ mốc 40.000 USD. Điều này đồng nghĩa nó không thể đảo chiều nhanh chóng. Tôi không ngoại trừ khả năng BTC sẽ xuống tới 30.000 USD trước khi FED phải đổi chiến lược. Nhưng đó phải là đáy, ít nhất trong trung hạn. Và sau đó, thị trường sẽ thuận lợi hơn”, ông Trenchev nói thêm.

Theo Bloomberg, Bitcoin dần được giao dịch giống với cổ phiếu Nasdaq 100. Ông Art Hogan, Giám đốc Chiến lược Thị trường tại National Securities cho rằng tiền số hoạt động cùng hệ quy chiếu với cổ phiếu công ty công nghệ hay xe điện là một điều tích cực.

“Khi tất cả tài sản rủi ro bị bán tháo, tiền số cũng tương tự. Do đó, khi Nasdaq 100 hoặc những loại tài sản đầu cơ khác tăng trưởng nhanh, lực kéo sẽ đến với tiền mã hóa”, ôn Hogan nói.

5/5 (1 bình chọn)

Gửi bình luận

Vui lòng nhập bình luận của bạn vào đây !
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài viết mới nhất

Có thể bạn thích

Bài viết liên quan